- Trang chủ
- Blog
- Hồi sinh phong cách Đông Dương trên chất liệu sơn mài
Hồi sinh phong cách Đông Dương trên chất liệu sơn mài
Vừa thanh lịch, hoài cổ, vừa khỏe khoắn, hiện đại, vừa rất phương Tây nhưng lại phảng phất đâu đó nét phương Đông huyền bí, bộ sưu tập nội thất mới được ra mắt của thương hiệu thủ công cao cấp Hanoia kể câu chuyện về một Đông Dương đương đại qua ngôn ngữ sơn mài.
Những năm gần đây, phong cách Đông Dương trong thiết kế nội thất đang dần quay trở lại và ngày càng được yêu thích hơn. Đây là một loại hình thiết kế được sáng tạo bởi người Pháp từ những thập niên đầu của thế kỷ 20, dựa trên sự kết hợp của kiến trúc Pháp với văn hóa và điều kiện địa lý ở Việt Nam. Nói một cách khác, người Pháp đã du nhập kiến trúc của họ vào Việt Nam và điều chỉnh để hòa hợp với văn hóa phương Đông. Bởi vậy, phong cách này vừa mang vẻ đẹp lãng mạn kiểu Pháp, vừa đậm đà nét hoài niệm Á Đông.
Đặc trưng của phong cách thiết kế này là việc sử dụng những chất liệu gần gũi với thiên nhiên như gỗ, sơn mài, mây, tre hay gạch nung. Đây là những vật liệu rất phổ biến ở Việt Nam vào thời kỳ đó và người Pháp đã tận dụng yếu tố này khi biến tấu các thiết kế của họ. Về màu sắc, những gam màu trung tính như vàng nhạt, nâu, trắng giữ vai trò chủ đạo. Màu đỏ của tường gạch nung trong phòng thờ đôi khi được giữ nguyên để tạo ra không gian nghiêm trang và thiêng liêng nhất. Những họa tiết được ưa chuộng bao gồm họa tiết kỷ hà (sự lồng xếp của nhiều hình tam giác, hình thoi hoặc đường cong, đường tròn với nhau, có thể theo hoặc không theo một quy tắc nào), họa tiết hình chữ nhật hoặc tĩnh vật. Chúng được dùng để trang trí cho tường, vách ngăn cùng các vật trang trí khác như phù điêu, bình phong, bàn ghế, tủ, kệ được chế tác thủ công tinh tế.
Nét Đông Dương thanh lịch, hoài cổ này có thể được tìm thấy trong bộ sưu tập nội thất vừa mới được ra mắt của Hanoia, do Richard Le Sand, nhà thiết kế tài hoa người Pháp từng có nhiều năm sinh sống và làm việc tại châu Á là người khơi nguồn cảm hứng. Ông đã phát huy tối đa những đường nét thanh mảnh, những hình khối duyên dáng trên chất liệu gỗ và sơn mài, đã sử dụng những đường cong mềm mại, những sắc trầm lịch lãm để khơi gợi một vẻ đẹp vượt thời gian. Sự hòa quyện đặc sắc giữa hai nền văn hóa Đông-Tây đã tạo nên sức quyến rũ mới, đằm thắm, trang nhã và đầy chất thơ.
Không chỉ có vậy, Richard Le Sand đã thổi vào bộ sưu tập này hơi thở trẻ trung, tươi mới khiến sắc màu hoài niệm được khoác lên vẻ ngoài hiện đại và sự pha trộn độc đáo này chính là phong cách thiết kế của riêng ông. Ông không chọn đi theo phong cách Đông Dương mà nét châu Âu lãng mạn đã có sẵn trong dòng máu của ông, kết hợp với những kiến thức và cảm xúc phong phú trong gần 10 năm sống ở châu Á đã tạo nên nét đặc trưng vừa hoài cổ, vừa đương đại cho bộ sưu tập này. Và ông gọi đó là sự tự do trong thiết kế, là triết lý Việt dành cho người Việt trong con mắt của một nhà thiết kế Tây Âu.
Nhờ vậy, dòng sản phẩm nội thất Hanoia phù hợp với nhiều không gian sống, từ cổ điển đến hiện đại, từ truyền thống đến cách tân, từ giản đơn đến cầu kỳ, phức tạp. Như chiếc bàn trang trí Lanky mảnh mai tựa hình dáng chiếc quạt Á Đông, hay chiếc sofa Classy quyến rũ với thành ghế uốn cong hình chữ H luôn gợi cảm giác về sự thanh lịch và tinh tế cho bất cứ phòng khách nào. Và chiếc đèn Sunny luôn là một tác phẩm điêu khắc đầy tính đương đại trong không gian phòng ngủ.
Dù là Đông Dương đương đại, nét hoài niệm đương đại hay triết lý Việt trong con mắt nhà thiết kế nước ngoài, Hanoia đã nâng sơn mài Việt lên tầm cao mới qua sự ra đời của dòng sản phẩm nội thất mới này.