Mỗi sản phẩm nội thất sơn mài đều là một tác phẩm nghệ thuật, được sinh ra từ tình yêu, sự cầu kỳ tỉ mỉ và đôi bàn tay tài khéo của các nghệ nhân. Sau một thời gian sử dụng, những đồ vật này đều có thể bị bám bụi, trầy xước nếu chúng ta không biết nâng niu, chiều chuộng đúng cách. Để nội thất sơn mài giữ nguyên giá trị ban đầu của nó, mời bạn lắng nghe những tư vấn sau đây của các chuyên gia Hanoia nhé.

Bảo quản nội thất sơn mài Hanoia có gì đặc biệt?
Mỗi sản phẩm sơn mài cần rất nhiều thời gian và công sức để hoàn thành nên việc bảo quản chúng cũng phức tạp và tỉ mỉ hơn. Bên cạnh đó, nội thất sơn mài là sự kết hợp của nhiều chất liệu như gỗ, sơn mài, vải, da, kim loại v.v… nên người sử dụng phải nắm bắt cùng một lúc nhiều kiến thức đa dạng để có thể bảo quản tốt đồ vật của mình.



Kẻ thù lớn nhất của sơn mài là gì?
Là ánh nắng mặt trời. Tia cực tím của ánh sáng mặt trời sẽ làm hư hỏng và lão hóa bề mặt sơn mài. Bởi vậy, bạn nên đặt nội thất sơn mài ở những khu vực không có ánh nắng trực tiếp. Bên cạnh đó, độ ẩm cao cũng là một kẻ thù khác của sơn mài, vậy nên một môi trường cân bằng, không có những thay đổi bất thường về nhiệt độ và độ ẩm mới thật sự lý tưởng cho nội thất sơn mài.



Những điều cần tránh khác khi sử dụng nội thất sơn mài?
Đặc thù của sơn mài là óng ả, mượt mà, trong suốt nên đa phần các sản phẩm sơn mài thường bị trầy xước do các vật cứng hoặc sắc nhọn gây nên. Vậy nên, điều cần tránh tiên quyết tiếp theo chính là không để mặt sơn mài tiếp xúc trực tiếp với những đồ vật như vậy. Thậm chí, để cẩn thận hơn, bạn nên dùng lót ly, khay hoặc khăn trải bàn để bảo vệ mặt sơn mài trong quá trình sử dụng. Nên nhấc và đặt đồ vật thay vì kéo trượt chúng trên mặt sơn mài.



Nên vệ sinh bề mặt sơn mài như thế nào?
Trong khoảng 1-2 tuần đầu mới sắm đồ, bạn nên hút bụi thường xuyên, chú ý không để đầu máy hút bụi chạm vào bề mặt làm xước sơn mài. Sau đó, mỗi lần vệ sinh bề mặt sơn mài, bạn có thể dùng khăn sạch và mềm để lau. Tuyệt đối không sử dụng nước nóng/lạnh và hóa chất để làm sạch bề mặt sơn mài.



Những lưu ý khi vệ sinh những chất liệu khác?
Ngoài sơn mài, bộ sưu tập nội thất của Hanoia còn bao gồm các chất liệu gỗ, veneer, da, vải, đá, đồng, kính và phụ kiện kim loại. Nhìn chung cách bảo quản những chất liệu này cũng tương tự sơn mài, ví dụ như tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, tránh những môi trường thay đổi nhiệt độ đột ngột, tránh nơi ẩm thấp, tránh vật nặng, sắc, nhọn v.v…
Bên cạnh đó, bạn cũng phải chú ý đến đặc thù riêng của từng vật liệu. Ví dụ như gỗ dễ cháy nên tránh đặt sản phẩm ở gần nguồn nhiệt, khi phục vụ đồ ăn nóng cũng nên có tấm cách nhiệt lót ở dưới. Da nên vệ sinh bằng khăn bông sạch thấm nước sau đó vắt khô đi và lau nhẹ nhàng. Khi da bị bẩn có thể dùng miếng xốp chấm nước tẩy rửa loại nhẹ lau thử lên da ở góc khuất để xem phản ứng của da trước khi tiến hành vệ sinh, sau khi lau sạch để da khô tự nhiên, không sấy bằng máy sấy tóc, cũng không dùng nước để lau da. Vải thì đơn giản hơn, bạn có thể tháo ra để giặt khô hoặc giặt bằng tay với xà phòng không có chất tẩy trắng. Đá tưởng chừng là vật liệu bền vững nhất nhưng trên thực tế đá dễ bị ố vàng và cách làm sạch tốt nhất là sử dụng dung dịch tẩy rửa có pH trung tính. Đồng cũng nên vệ sinh bằng nước pha dung dịch tẩy rửa có pH trung tính, sau đó lau lại bằng vải khô.



Chúc quý khách có một không gian sống đẹp và ưng ý.