"Nổi bật trong BST Chu Du - một thể nghiệm mới trong hành trình khám phá của Hanoia, Thong Dong chính là bức vẽ xinh đẹp về hình ảnh phố phường Hà Nội, nơi gắn liền với những chuyến đi và kỉ niệm thú vị của họa sĩ trẻ Lys Bui. . "

Với Hanoia, BST Chu Du tượng trưng cho tâm hồn tự do, phóng khoáng khi được đắm mình vào hòa sắc tươi trẻ của những vùng đất xa xôi. Tuy nhiên, khác với Tầm Phương gây thích thú và tò mò nhờ sự rộng mở có phần hùng vĩ của miền xa, Thong Dong lại mang tới cách tiếp cận bình dị, gần gũi hơn khi tìm về nét cổ kính và những sinh hoạt cảnh của đô thị. Với mong muốn tái hiện “cái hồn” của Hà Nội lên dòng sản phẩm sơn mài, Hanoia tin tưởng và lựa chọn Lys Bui - một nghệ sĩ với năng lượng trẻ trung, sáng tạo với hi vọng mang đến làn gió mới trong ý tưởng thiết kế. 

Hanoia: Trong hình dung của bạn, vẻ đẹp của Hà Nội ra sao?

Lys Bui: Nếu được gói gọn, chắc chắn sẽ là: nét cổ kính trong nhịp sống hiện đại. Bởi dù là kiến trúc hay âm thanh, mọi thứ ở thủ đô thật sự sống động và để lại rất nhiều ấn tượng trong mình. Bản thân mình cảm thấy may mắn khi có cơ hội được dịch chuyển giữa hai miền Nam - Bắc ngay từ khi còn nhỏ, nên tình yêu với Hà Nội cứ thế vun đắp dần theo từng năm tháng mình trưởng thành. Trong mỗi dịp ghé thăm, mình thường len lỏi qua những con hẻm nhỏ để ngắm nhìn nếp sinh hoạt của con người nơi đây, rồi dần thêm yêu và muốn thể hiện tình cảm ấy lên các bức vẽ.

Vậy còn cảm xúc của bạn khi Hanoia ngỏ lời hợp tác cho tác phẩm Thong Dong?

Khi nhận được lời mời làm họa sĩ cộng tác từ Hanoia, cảm giác đầu tiên của mình chính là hạnh phúc vì bản thân đã ngưỡng mộ và theo dõi thương hiệu từ rất lâu rồi. Hơn nữa, mình vô cùng hào hứng vì đây cũng là một trong những thử thách rất lớn vì bản thân chưa từng được tiếp cận đến sơn mài.

Bạn có thể chia sẻ một chút về quá trình sáng tạo bức vẽ này?

Nhiều năm trước, vì đã có một tác phẩm digital (kỹ thuật số) về Hà Nội, nên mình thấy rất thích thú với chủ đề của Hanoia. Đó là sự phát triển, một hình thái mới cho chính bản vẽ của mình, được chuyển thể lên các món đồ trang trí hàng ngày như những chiếc bình hoa, hộp đựng sơn mài. 

Với sự hỗ trợ nhiệt tình từ đội ngũ sản xuất, thiết kế của Hanoia, mình đã hiểu hơn rất nhiều về quy trình làm việc cũng như các chất liệu và kỹ thuật ứng dụng trên sản phẩm để chuyển thể bức tranh một cách tốt nhất. Ngồi nghiên cứu lại bản vẽ thiết kế, mình phải cân nhắc rằng liệu đó có còn là khung cửa sổ, ô mái ngói, con người của Hà Nội hay không trước khi thực hiện những thay đổi, tinh giản về mặt họa tiết và đường nét.

“Là một người quan sát, mình phải có trách nhiệm kể cho mọi người câu chuyện về Hà Nội cho dù không được sinh ra và lớn lên ở đó…”

Một lớp sơn mài hoàn mỹ cần đến sự thành thục ở đôi bàn tay người thợ chế tác. Chính vì thế, đồng hành cùng Lys Bui trong quá trình đưa ra sản phẩm cuối cùng còn có chị Y Chon - một nghệ nhân dạn dày kinh nghiệm với chất liệu sơn mài.

Hanoia: Đối với chị, có những khó khăn gì trong quá trình chế tác dòng sản phẩm Thong Dong?

Chị Y Chon: Với mình, từ thiết kế trên giấy đến quy trình vẽ tay thực tế, đường nét thân quen, gần gũi của phố cổ tưởng chừng đơn giản nhưng lại vô cùng phức tạp. Phần họa tiết trên bản vẽ vô cùng nhỏ lẻ, dày đặc khiến cho những nét khắc bị phồng và việc gia công gặp không ít khó khăn…

Nếu vậy, chị đã làm thế nào để giải bải toán khó trong sản xuất mà vẫn giữ được tính cao cấp trong chất lượng sản phẩm?

Từ sự lựa chọn tông màu vàng đặc trưng đến việc ứng dụng khéo léo các kỹ thuật thủ công và đương đại, bức tranh Hà Nội đã được đặc tả với biết bao thanh âm, hình ảnh gần gũi: dẫu là những mẩu chuyện nhỏ bên ly cà phê hay tiếng cười nói rôm rả trên chiếc yên xe,...đều gắn liền với nhịp điệu thong dong đậm chất Hà Nội. Bởi thế, sự thể hiện đầy tình yêu và tâm huyết của những người nghệ sĩ không chỉ khơi dậy ký ức của mỗi người về mảnh đất Hà Thành mà còn đánh dấu sự cởi mở, hài hòa trong ngôn ngữ thiết kế của Hanoia.